Trường THPT Chuyên Bến Tre

https://thptchuyenbentre.edu.vn


Để làm tốt Bài thi môn Ngữ văn

Gửi các em học sinh dự thi tuyển sinh vào Trường THPT chuyên Bến Tre năm học 2024 - 2025, Môn Ngữ văn
Để làm tốt Bài thi môn Ngữ văn
Mến chào các em học sinh!
 
Chỉ còn 01 ngày nữa là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh Bến Tre chính thức được diễn ra.
          Có lẽ giờ đây các em đang nôn nao và không ít lo lắng khi đứng trước Kì thi quan trọng với bao kì vọng vào được ngôi trường mơ ước!
Cũng lúc này đây, các bậc cha mẹ học sinh, thầy cô cũng chờ đợi và hi vọng!
Nỗi niềm đó càng nhân đôi với những em có nguyện vọng thi tuyển sinh vào Trường THPT chuyên Bến Tre nói chung và vào lớp chuyên Văn của trường nói riêng.
Cô viết thư này mong mỏi gửi đến các em tất cả sự cảm thông và chia sẻ những kinh nghiệm để giúp các em có thể sẵn sàng hơn và đạt kết quả tốt cho bài thi môn Ngữ Văn khi bước vào kì thi này.
 
  1. Về vấn đề sức khỏe và tâm lý đi thi
Sức khỏe tốt là điều kiện đầu tiên cho bất cứ thành công nào của ta. Thế nên, các em hãy giữ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lí để có sức khoẻ tốt nhất khi bước vào kì thi.
Ngoài ra, các em cần bình tĩnh, không nên quá căng thẳng, lo lắng. Đừng quên rằng các thầy cô đã ôn tập cho các em đầy đủ những kiến thức cần thiết. Các em cũng đã rèn luyện và học tập chăm chỉ trong suốt thời gian qua. Vì vậy, hãy tự tin vì mình đã chuẩn bị kỹ càng, tâm lí vững vàng sẽ giúp các em phát huy đầy đủ năng lực của bản thân trong bài làm của mình.
 
  1. Về phương pháp làm bài
Để đạt được điểm cao trong bài thi môn Ngữ văn vào lớp 10 thì kiến thức thôi chưa đủ mà các em còn cần có phương pháp làm bài thông minh. Với mỗi phần, mỗi loại câu hỏi khác nhau, các em nên luyện cho mình những cách làm bài, trình bày và diễn giải phù hợp.

* Phần đọc hiểu

     - Xác định từ khoá

Đối với phần Đọc hiểu, đề bài sẽ cung cấp ngữ liệu để trả lời các câu hỏi. Bí quyết dành điểm cao trong phần này là đọc và gạch chân các từ khóa trong câu hỏi trước khi đọc văn bản. Bằng cách này, các em có thể xác định được đâu là nội dung cần tập trung khi đọc văn bản, tránh lan man vào những nội dung không cần thiết.

-Xác định dạng câu hỏi

Sau khi đã đọc và nắm được ý chính trong câu hỏi, các em nên xác định dạng câu hỏi để định hướng cách trình bày. Đối với phần Đọc hiểu, thường các câu hỏi sẽ được phân theo các dạng như sau:
Dạng nhận biết: thường yêu cầu học sinh đọc và chiết suất thông tin liên quan đến các phương thức biểu đạt, nội dung chính của ngữ liệu, biện pháp tu từ sử dụng,..
 Dạng thông hiểu: thường yêu cầu học sinh liên kết, kết nối thông tin, diễn giải thông tin đã đọc nhằm đánh giá mức độ hiểu đề bài của thí sinh
Dạng vận dụng: thường dùng để đánh giá mức độ hiểu sâu và khả năng ứng dụng vào trải nghiệm, kiến thức thực tế của thí sinh.

- Tìm nội dung  thông tin tương ứng với yêu cầu của câu hỏi

Đây là phần  học sinh cần đặc biệt lưu ý vì có ý nghĩa rất quan trọng trong phần bài làm của các bạn. Tuy các câu hỏi đặt ra trong phần đọc hiểu chỉ dùng ở mức thông hiểu nhưng nhiều bạn học sinh thường mất điểm do trình bày không rõ ràng, đầy đủ.
Ví dụ khi đề yêu cầu chỉ ra và phân tích tác dụng của phép tu từ, các bạn học sinh nên trình bày lần lượt như sau: Gọi tên biện pháp tu từ (trích dẫn câu có sử dụng biện pháp đo); Phân tích tác dụng (phép tu từ làm nổi bật điều gì, đặc điểm, ý nghĩa của nó với câu văn,.); Đánh giá khả năng của người viết (về thái độ tình cảm, khả năng quan sát, tưởng tượng,..).

* Phần nghị luận xã hội

Khi làm bài văn nghị luận xã hội các bạn lưu ý bài văn phải trả lời được 4 câu hỏi: Vấn đề là gì? Vấn đề đó được biểu hiện như thế nào? Vấn đề được chứng minh thực tế như thế nào?Tác động của vấn đề đó với đời sống (tích cực hay tiêu cực)?  Bài học nhận thức và hành động đúc kết từ vấn đề? Một bài văn nghị luận sẽ được đánh giá cao khi nêu được luận điểm rõ ràng, các bước chứng minh hay giải thích cho vấn đề thuyết phục, có cơ sở  thực tế. Vì vậy, các bạn học sinh nên luyện tập thật nhiều để tránh mất điểm trong phần làm văn này.

* Phần nghị luận văn học

Đối với văn bản thơ, các em cần đảm bảo bài văn của mình nội dung chính như: Khái quát nội dung chính đoạn thơ có trong đoạn thơ/ bài thơ là gì? Các biện pháp nghệ thuật trong đoạn thơ có tác dụng gì (phân tích, nêu ý nghĩa của phép tu từ đó)? Tổng kết, đánh giá tình cảm của tác giả biểu hiện qua tác phẩm và qua đoạn thơ phân tích. Đặc biệt trong phần này, các em nên bám sát vào trích đoạn thơ đã cho, tránh lan man vào những nội dung khác gây lạc đề.
Đối với văn bản truyện, các em cần lưu ý các  yếu tố như: Cốt truyện (sự kiện chính, diễn biến của các sự kiện theo trình tự); Ngôi kể (ý nghĩa của việc sử dụng ngôi kể với tác phẩm); Nhân vật (về hoàn cảnh, về tính cách, vai trò trong tác phẩm); Chủ đề của tác phẩm (ý nghĩa của chủ đề tác phẩm, các chi tiết nghệ thuật và ý nghĩa của chúng đối với tác phẩm).
Ngoài ra, về hình thức, các em nên trình bày theo các luận điểm, nên chia thành các đoạn nhỏ, có sự thống nhất và liên kết giữa các đoạn.
3. Về việc phân bố  thời gian
Việc phân bố thời gian hợp lí cũng là yếu tố quan trọng đảm bảo thành công cho kì thi. Mỗi phần câu hỏi cần chia thời gian phù hợp để đảm bảo chất lượng từng câu trả lời và hoàn chỉnh toàn bài.
 
Trên đây là một số kinh nghiệm thi vào lớp 10 môn Ngữ văn. Hy vọng những chia sẻ trên là hữu ích cho các em trong kỳ thi quan trọng này. Chúc các em sẽ có một Kỳ thi thành công và những trải nghiệm thú vị!
Bài viết mang tính chất tương tác và tham khảo!
 

Tác giả bài viết: Cô Trần Khánh Linh, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn - Cô Hồ Vi Thường, Tổ phó Tổ Ngữ văn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây