Phó giáo sư Nguyễn Phương Nga giải đáp về Dự thảo thi quốc gia 2017

Thứ bảy - 24/09/2016 07:59
Ngày 8/9, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học 2017. Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia 2017 thực hiện hình thức thi trắc nghiệm với tất cả các môn học, trừ Ngữ văn.
Phó giáo sư Nguyễn Phương Nga giải đáp về Dự thảo thi quốc gia 2017

PGS.TS Nguyễn Phương Nga (ngồi giữa)/ Ảnh: Thùy Linh

 

Đến chiều 13/9, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức trao đổi, góp ý thẳng thắn, với tinh thần xây dựng, hoàn thiện hơn nữa bản dự thảo này.

Tại buổi trao đổi, giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)-  PGS.TS Nguyễn Phương Nga đưa quan điểm xung quanh dự thảo này.

Thứ nhất, về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT: 

Trước tiên cần xác định mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT:

- Mục tiêu chính của kỳ thi tốt nghiệp THPT này là đánh giá những kiến thức và kỹ năng cơ bản học sinh nắm được trong chương trình học lớp 12;

- Xét tốt nghiệp THPT: Điểm thi chỉ chiếm 50% +50% là điểm TB kết quả học tập lớp 12;

- Việc có sử dụng điểm thi này để xét tuyển vào đại học/cao đẳng hay không là quyền của các trường Đại học – Cao đẳng (1 trong 4 phương thức tuyển sinh để các trường Đại học – Cao đẳng lựa chọn).

Phương án thi này mang lại hiệu quả gì?

- Thời gian thi đã giảm được một nửa so với kỳ thi năm 2016: từ 4 ngày xuống 2 ngày;

- Giảm áp lực cho các cơ quan chức năng phải huy động nhân lực và vật lực để hỗ trợ kỳ thi trong thời gian khá dài: 4 ngày.

- Giảm áp lực, căng thẳng và lo âu cho cả phụ huynh và học sinh.

- Giảm áp lực và chi phí của toàn xã hội (phụ huynh học sinh, các cơ quan chức năng liên quan, sở GD&ĐT, các trường nói chung).

- Tăng tính chịu trách nhiệm của các Sở GD&ĐT trong việc tổ chức thi & xét tốt nghiệp THPT;

- Dạng thức thi trắc nghiệm khách quan với nhiều câu hỏi sẽ có độ phủ rộng, nên đánh giá được kiến thức và kỹ năng toàn diện. Vì thế chúng ta chắc chắn các em học sinh tốt nghiệp THPT có được những kiến thức và kỹ năng cơ bản toàn diện;

- Từng bước loại bỏ việc dạy và học lệch lạc, không theo đúng chương trình THPT;

-  Mỗi thí sinh có 1 đề thi sẽ chấm dứt được tình trạng quay cóp bài, bảo bài trong phòng thi giữa các thí sinh với nhau.

Sẽ không còn hiện tượng chuyển bài ra ngoài để các đối tượng bên ngoài tập trung cùng giải 1 đề thi;

- Chấm điểm bằng máy tính, bảo đảm khách quan, chính xác hoàn toàn, nhanh chóng và không có sự chênh lệch điểm giữa các giám khảo chấm thi. Tránh hoàn toàn sự tiêu cực có thể xảy ra khi chấm thi. 

Như vậy, phương án thi do Bộ GD&ĐT mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm được sự công bằng, khách quan trong thi cử và hệ quả lớn hơn là các trường THPT sẽ dạy và học theo đúng chương trình THPT; Học sinh khi tốt nghiệp THPT có kiến thức cơ bản toàn diện 

Về dạng thức thi và các đề thi:

- Dạng thức thi trắc nghiệm khách quan (4 lựa chọn với 1 phương án đúng duy nhất) không phải xa lạ đối với thầy cô giáo và học sinh THPT, vì trên 10 năm nay tất cả đã làm quen với thi trắc nghiệm khách quan ở các môn thi ngoại ngữ, lý, hóa và sinh.

- Các học giả về khoa học đo lường và đánh giá trong giáo dục và các Trung tâm khảo thí của các nước tiên tiến trên thế giới bằng kết quả thi trắc nghiệm khách quan đã chứng minh dạng thức thi tự luận hay trắc nghiệm khách quan không ảnh hưởng đến việc dạy và học.

Bởi vì tất cả các đề thi phải được xây dựng dựa trên mục tiêu thi (learning objectives) và chuẩn đầu ra (learning outcomes).

- Mục tiêu thi tốt nghiệp THPT năm 2017 không khác mục tiêu thi tốt nghiệp THPT năm 2016: đó là xét tốt nghiệp THPT và các đề thi được xây dựng để đánh giá mức độ học sinh nắm bắt những kiến thức & kỹ năng cơ bản trong chương trình lớp 12.

Như vậy học sinh có học lực trung bình của tất cả các môn thi sẽ tối thiểu đạt điểm trung bình trở lên. 

- Các học giả về đo lường đánh giá trên thế giới đều khẳng định: Trắc nghiệm khách quan và tự luận đều có những ưu và nhược điểm nhất định. Cả trắc nghiệm khách quan và tự luận đều đánh giá được năng lực tư duy logic của học sinh.

Tuy nhiên, ở cả hai dạng thức thi này, nhược điểm có thể bị tăng lên hoặc ưu điểm bị biến thành nhược điểm do chính người biên soạn đề thi tạo ra.

Ra đề thi trắc nghiệm khách quan đạt chất lượng để đánh giá được năng lực lập luận, phân tích và tư duy logic khó hơn rất nhiều so với ra đề thi tự luận.

Thực tiễn giáo dục Việt Nam đã cho thấy có những đề thi tự luận của chúng ta chỉ đánh giá khả năng ghi nhớ hoặc học thuộc lòng của học sinh, dẫn đến HS mang “phao” vào phòng thi để quay cóp;

- Thi trắc nghiệm khách quan môn toán là dạng thức thi phổ biến khá lâu đời ở các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Australia ….. Dạng thức thi này được sử dụng ở các kỳ thi trên diện rộng cho một lượng rất lớn các thí sinh.  

Các kết quả nghiên cứu của các Trung tâm khảo thí ở các nước này đã chứng minh trắc nghiệm khách quan môn toán hoàn toàn đánh giá được năng lực lập luận và tư duy logic của thí sinh;

- Môn toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa đòi hỏi tất cả các thí sinh phải có sự sáng tạo. Và không phải tất cả học sinh sẽ chọn ngành toán khi đăng ký vào đại học/cao đẳng.

Vì thế thi trắc nghiệm môn toán hoàn toàn phù hợp để đánh giá những kiến thức và kỹ năng cơ bản học sinh nắm bắt về môn toán trong chương trình lớp 12 của THPT năm 2017;

- Cả nước mới bắt đầu năm học mới, vì vậy chúng ta không thể nói học sinh đã học môn toán từ trước hoặc đã học chương trình lớp 12 từ trước rồi.

Chất lượng của các đề thi và nguồn nhân lực làm ngân hàng câu hỏi thi

- Cái chúng ta cần bàn là cấu trúc của đề thi: có bao nhiêu % là câu hỏi dễ, bao nhiêu % là câu hỏi trung bình và bao nhiêu % là câu hỏi khó? Cấu trúc này sẽ quyết định mức độ khó và khả năng phân hóa năng lực của thí sinh thành các thang bậc để các trường Đại học có thể tuyển chọn thí sinh vào đại học.

- Theo thông báo của Bộ GD&ĐT cuối tháng 9 đầu tháng 10 sẽ có các đề thi minh họa.

Như vậy chúng ta sẽ có đề thi mẫu đầu năm học, đủ thời gian để thầy/cô giáo và học sinh biết trước về dạng thức thi. (các năm trước đây, ngoài các môn thi bắt buộc, đến tháng 3 mới công bố các môn thi tự chọn).

Khi đã có cấu trúc đề thi và dạng thức thi, 1 năm học đủ thời gian để giáo viên và học sinh làm quen và tập dượt thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

- Đại học Quốc gia Hà Nội đã thi trắc nghiệm khách quan được 3 năm, đã có đánh giá về kết quả thi của các thí sinh và so sánh giữa kết quả thi đề thi của Đại học Quốc gia Hà Nội và đề thi tốt nghiệp THPT và năng lực học của thí sinh khi học năm thứ nhất tại Đại học Quốc gia Hà Nội; kết quả đánh giá được công bố trong Tạp chí Khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội, Tạp chí Khoa học giáo dục và Tạp chí Giáo dục của Bộ GD&ĐT. 

Thực tế để chuẩn bị cho thi trắc trắc nghiệm, ngay từ năm 2007-2008 Đại học Quốc gia Hà Nội đã mời các chuyên gia của Trung tâm ETS (Khảo thí Hoa Kỳ) đến Đại học Quốc gia Hà Nội tập huấn cho các chuyên gia biên soạn các câu hỏi thi trắc nghiệm khách quan;

- Đại học Quốc gia Hà Nội là nơi đào tạo thạc sỹ chuyên ngành đo lường đánh giá trong giáo dục từ năm 2005 và tiến sỹ chuyên ngành này từ năm 2011.

Tính đến nay đã tốt nghiệp hàng trăm thạc sỹ và 5 tiến sỹ và hiện đang công tác trong Bộ GD&ĐT, các trường Đại học, Cao đẳng, các Sở GD&ĐT, các trường THPT và một số bộ ban ngành khác. 

- Nếu chúng ta xem xét kỹ lưỡng hơn sẽ thấy: Bộ GD&ĐT khi công bố Dự thảo với số lượng câu hỏi cho từng loại đề thi, có nghĩa là Bộ GD&ĐT đã có nghiên cứu sâu, có dự thảo cấu trúc đề thi và tính toán thời gian thi phù hợp;

- Các câu hỏi thi trắc nghiệm khách quan của Đại học Quốc gia Hà Nội khi đã chuẩn hóa có nghĩa là đã được thử nghiệm trên các đối tượng học sinh ở các vùng miền khác nhau để tính độ tin cậy của các đề thi, các miền đo (kiến thức và kỹ năng) của các câu hỏi thi và độ khó của các câu hỏi.

Những câu hỏi tồi hoặc không phù hợp, hoặc quá khó đã được loại bỏ trong quá trình phân tích các kết quả thử nghiệm;

- Theo công bố của Bộ GD&ĐT: Bộ sẽ chỉ đạo để phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội chọn lọc các câu hỏi thi phù hợp trong ngân hàng câu hỏi thi của Đại học Quốc gia Hà Nội và biên soạn thêm nhiều câu hỏi thi, thử nghiệm để chuẩn hóa và bổ sung vào ngân hàng câu hỏi thi của Bộ GD&ĐT;

- Vì thế tôi tin rằng chúng ta có đủ các thông tin để yên tâm rằng các câu hỏi thi được tổ hợp thành đề thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội là sẽ phù hợp với mục tiêu thi tốt nghiệp THPT, đồng thời các câu hỏi thi môn toán sẽ đánh giá đúng mục tiêu thi tốt nghiệp THPT.

Thứ hai, về dự thảo phương án tuyển sinh Đại học, Cao đẳng

Theo Luật Giáo dục Đại học, các trường Đại học được quyền tự chủ trong tuyển sinh vào trường mình. 

Trong Dự thảo, Bộ GD&ĐT đưa ra 4 phương án tuyển sinh Đại học, Cao đẳng: Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi trung học phổ thông quốc gia; Sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở trung học phổ thông kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh; Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở trung học phổ thông; Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh.

Bốn phương án này có lẽ đã bao gồm hết các khả năng có thể để tuyển sinh Đại học, Cao đẳng;

Căn cứ trên vị thế, uy tín và ngành nghề đào tạo của trường, nhu cầu của xã hội và khả năng sinh viên tốt nghiệp có thể xin được việc làm, các trường Đại học, Cao đẳng tự chủ quyết định phương án tuyển sinh vào trường mình;

Tuy nhiên Bộ GD&ĐT cần có chế tài yêu cầu các trường Đại học, Cao đẳng công bố sớm phương án tuyển sinh của trường, chỉ tiêu cho từng ngành đào tạo để xã hội biết và Bộ GD&ĐT có trách nhiệm giám sát việc tuyển sinh của các trường Đại học, Cao đẳng.

(PGS.Nguyễn Phương Nga, trích theo báo Giáo dục Việt Nam)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây