Gợi ý giải đề về tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân

Thứ năm - 13/10/2016 21:37

Gợi ý giải đề về tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân

Phân tích cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân...
GỢI Ý GIẢI ĐỀ VỀ TÁC PHẨM
“CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ” CỦA NGUYỄN TUÂN
ĐỀ: Phân tích cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân để nêu rõ đây là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối; của cái đẹp, cái cao thượng đối với sự phàm tục, sự nhơ bẩn; của tinh thần bất khuất trước thái độ cam chịu nô lệ.
(Đề tham khảo – Mười năm tạp chí Văn học và tuổi trẻ, NXB Giáo Dục)
Bước 1: Tìm hiểu đề trên câu chữ của văn bản.
- Nhận dạng đề: đề phân tích một cảnh của tác phẩm và là đề nổi.
- Xác định yêu cầu của bài làm: đề chỉ gồm 1 câu dài, ở giữa có cụm từ “để nêu rõ” vừa chia để thành 2 ý, vừa để nối liền 2 ý đó. Ý 1 là phân tích cảnh cho chữ, Ý 2 là phân tích ý nghĩa của cảnh cho chữ. Như vậy, yêu cầu của bài làm là: thông qua việc phân tích cảnh cho chữ của Huấn Cao hãy làm rõ ý nghĩa của cảnh cho chữ ấy. Và ý nghĩa của cảnh cho chữ mới là nội dung trọng tâm.
Bước 2: Định hướng giải đề, gợi ý dàn ý:
Bài làm không nên chia làm 2 ý lớn: 1. Phân tích cảnh cho chữ; 2. Ý nghĩa cảnh cho chữ vì sẽ khiến bài văn rời rạc, trùng lặp và không nổi bật nội dung trọng tâm. Bài làm chỉ nên chọn ý nghĩa của cảnh Huấn Cao cho chữ làm luận đề. Có thể triển khai luận đề thành 3 luận điểm chính:
1. Sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối
- Bóng tối trong nhà giam đêm khuya đối lập với ánh sáng đỏ rực của bó đuốc tẩm dầu (nghĩa đen)
- Bóng tối của sự tàn bạo, phi nghĩa; ánh sáng của lòng nhân từ, chính nghĩa (nghĩa bóng)
→ Ánh sáng của bó đuốc đã xua đi bóng tối phòng giam gợi chúng ta nghĩa về  sự chiến thắng của ánh sáng chính nghĩa với bóng tối phi nghĩa trong cuộc sống con người.
2. Sự chiến thắng của cái đẹp, cái cao thượng đối với sự phàm tục, sự nhơ bẩn
- Cảnh nhà giam bẩn thỉu, tối tăm, hôi hám (buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột, phân gián) đối lập với màu trắng tinh khôi của phiến lụa óng (nghĩa đen).
- Cảnh nhà giam bẩn thỉu, hôi hám tượng trưng cho sự phàm tục, nhơ bẩn; màu trắng tinh khiết của phiến lụa và mùi thơm của thoi mực là biểu tượng của cái đẹp, cái cao thượng (nghĩa bóng).
→ Trong cảnh cho chữ, giờ đây chỉ còn lại màu trắng tinh khiết và mùi thơm nồng nàn ấy, có nghĩa là cái cao đẹp, cái cao thượng đã chiến thắng sự phàm tục, sự nhơ bẩn trong cuộc đời.
3. Sự chiến thắng của tinh thần bất khuất trước thái độ cam chịu nô lệ
- Thái độ cam chịu, nô lệ ở đây là viên quản ngục và thầy thơ lại; còn tinh thần bất khuất được miêu tả rất đẹp ở nhân vật Huấn Cao (cử chỉ đường hoàng, lời nói đĩnh đạc, nhất là cái tâm sáng)
- Sự chiến thắng thể hiện rõ ràng, sâu sắc trong sự thay bậc đổi ngôi giữa người cho chữ và người xin chữ: người tù lại như người làm chủ, còn quản lý nhà giam lại khúm núm và xúc động trước lời khuyên của tù nhân.
→ Đó là chiến thắng của thiên lương, tình người – và cảm hóa con người quay về với cuộc sống lương thiện, khích lệ con người trân trọng cái đẹp.
* Ngoài 3 luận điểm chính, cần có những phần giới thiệu về tác giả tác phẩm, có những mở rộng, so sánh liên hệ; lưu ý cần phân tích để chỉ ra cả giá trị nghệ thuật của đoạn trích bên cạnh giá trị nội dung.
 

Tác giả bài viết: Ngọc Hân

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://thptchuyenbentre.edu.vn là vi phạm bản quyền
 Từ khóa: phân tích, truyện ngắn

Tổng số điểm của bài viết là: 69 trong 16 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây