DẤU ẤN HỒ CHÍ MINH QUA CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ

Thứ ba - 27/05/2025 08:02
Bài tuyên truyền nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Bác
Trong không khí hào hùng, hướng về ký ức của những ngày tháng Tư, tháng 5 lịch sử, mỗi người dân Việt Nam chúng ta lại nhớ về Bác Hồ kính yêu, Người là tinh thần, là trí tuệ cho "niềm tin tất thắng" trong những cuộc đấu tranh trường kỳ của dân tộc. Nhân ngày sinh của Bác xin được giới thiệu bài viết của em Nguyễn Tấn Phát, học sinh lớp 10 chuyên Lịch sử năm học 2024 - 2025: "Dấu ấn Hồ Chí Minh qua chiến thắng Điện Biên Phủ" như một điều tri ân đối với lãnh tụ thiên tài của dân tộc.
Một tiết mục văn nghệ Chào mừng 135 năm ngày sinh của Bác của Trung tâm Văn hoá và Điện ảnh tỉnh Bến Tre
Một tiết mục văn nghệ Chào mừng 135 năm ngày sinh của Bác của Trung tâm Văn hoá và Điện ảnh tỉnh Bến Tre
   Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - 1954 là một trong những mốc son chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây là thắng lợi quân sự có ý nghĩa quyết định của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), gắn liền với sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
   Chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài 56 ngày đêm, từ ngày 13/3 đến ngày 07/5/1954, kết thúc bằng việc tiêu diệt và bắt sống toàn bộ tập đoàn cứ điểm của Pháp tại Mường Thanh thuộc Điện Biên Phủ. Đây là đỉnh cao của cuộc Tiến công chiến lược trong Đông - Xuân 1953-1954 của Bộ Chính trị, đánh dấu cuộc Tiến công đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn, đồng thời buộc thực dân Pháp phải chấp nhận ngồi vào bàn đám phán hội nghị Geneve nhằm kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung, đánh dấu thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
   Chiến thắng ở Điện Biên Phủ còn là thắng lợi tiêu biểu của một dân tộc thuộc địa trước một đế quốc thực dân sừng sỏ, góp phần củng cố phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới.
   Chủ trương “Đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
   Đóng góp vào thắng lợi to lớn ấy là tư tưởng chỉ đạo chiến lược sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, tư tưởng “chắc thắng mới đánh” được coi là then chốt. Trước giờ mở màn chiến dịch, Bác đã dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người mà Bác đã trao toàn quyền chỉ huy trận đánh:
“Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng thì không đánh”.
   Cần nên biết rằng, kế hoạch tác chiến lúc đầu mà Bộ tư lệnh vạch ra với sự góp ý từ các cố vấn Trung Quốc là sẽ thực hiện kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh nhằm tiêu diệt Điện Biên Phủ trong 2 ngày 3 đêm, tuy nhiên, đây là một kế hoạch táo bạo khi bộ đội ta muốn tiến công nhanh vào trung tâm Điện Biên Phủ thì phải vượt qua một khoảng đất thung lũng trống trải, đồng nghĩa với việc phải đối mặt với pháo binh, máy bay và hỏa lực mạnh của Pháp mà không có gì bảo vệ, chắc chắn bộ đội Việt Nam phải chịu nhiều thương vong. Vì thế, tư tưởng “đánh chắc thắng” của Bác mà Bộ Chỉ huy đã thay đổi phương châm tác chiến.
   Do đó, tư tưởng “đánh chắc thắng” của Bác không phải là sự cẩn trọng đơn thuần, mà là một chủ trương hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn và lòng nhân ái sâu sắc. Chính nhờ định hướng đúng đắn này, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, kéo dài chiến dịch trong 56 ngày đêm và giành thắng lợi. Bác cũng nhấn mạnh rằng thắng hay bại ở Điện Biên Phủ không chỉ ảnh hưởng đến cục diện chiến trường, mà còn có tác động sâu rộng đến vận mệnh dân tộc và phong trào cách mạng thế giới. Vì thế, “chỉ có thắng, chứ không được bại.” Tư tưởng “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã trở thành nguyên tắc chỉ đạo cao nhất, dẫn dắt chiến dịch Điện Biên Phủ đi đến thắng lợi hoàn toàn.
   Mười năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã kể lại “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ”. 
   Bài học rút ra cho thế hệ trẻ qua chủ trương của Bác
   Chủ trương “đánh chắc, tiến chắc” của Bác trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy Bác đã nhận thức được thực lực thật sự của bộ đội Việt Nam, là một đội quân có ý chí kiên cường, quyết chiến cho độc lập dân tộc nhưng trang bị vũ khí còn hạn chế, do đó cần phải tiến hành phương châm “đánh chắc, tiến chắc” để bộ đội Việt Nam dần dần vừa đánh vừa rút kinh nghiệm mà từ đó chuyển hóa lực lượng giữa Việt Nam - Pháp.
    Tư tưởng đánh chắc thắng của Bác trong Chiến dịch Điện Biên Phủ còn thể hiện ở việc Bác đánh giá đúng sức mạnh của Pháp về binh lực, hỏa lực cũng như nguy cơ tổn thất lực lượng bộ đội Việt Nam, nếu tiến công vội vã qua vùng thung lũng trống trải, nên phải thực hiện phương châm “đánh chắc thắng”.
    Bài học đó nhắc nhở cho thế hệ trẻ ngày nay rằng, khi học tập hoặc làm việc thì phải luôn đánh giá đúng được năng lực bản thân, từ đó phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu. Trong học tập, đây chính là sự thận trọng, nghiêm túc và cầu tiến - những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công là yếu tố bền vững.

Tác giả bài viết: Huỳnh Tấn Phát - Lớp 10 Lịch sử năm học 2024 - 2025

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây