HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI NĂM 2021 VÀ KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

Thứ sáu - 21/05/2021 10:07
HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI NĂM 2021 VÀ KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI
07 THÔNG ĐIỆP PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
 
1. “Người dân Đồng bằng Sông Cửu Long chủ động thích ứng với tình hình thiên tai mới”
     Trong gần 20 năm qua kể từ đợt lũ lớn lịch sử năm 2000, người dân Đồng bằng Sông Cửu Long đã chủ động thích nghi, “sống chung với lũ”, gắn kết nhiều hoạt động sinh kế muà lũ về. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc hình thành những bậc thang thủy điện khu vực thượng nguồn sông Mê Kông, cùng với tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông bờ biển đang phổ biến tại nhiều địa phương, đã và đang gây thiệt hại rất nghiêm trọng. 
       Đứng trước thách thức đó, người dân khu vực Đồng bằng Sông Cửu long cần nhận dạng các rủi ro thiên tai, chủ động các biện pháp phòng ngừa, thay đổi hành vi và hoạt động sinh kế thích ứng tình hình thiên tai mới trong khu vực: chủ động tích trữ nước sớm, tại chỗ, ngay trong mùa mưa vào bể, bồn, túi đựng nước, hoặc thiết bị xử lý nước...; tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô; thực hiện việc nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, đào ao trữ nước ngọt... Bà con cần tái cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa phù hợp, bảo đảm hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý đối với những diện tích thiếu nước; Tăng cường sử dụng các giống cây trồng thích ứng điều kiện khô hạn và môi trường nước mặn, nước lợ; và ứng dụng các phương pháp tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm cho cây trồng...
2. Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 ở đồng bằng sông Cửu Long
      Mùa lũ năm 2020, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Công thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, dòng chảy sông Mê Công ở mức thấp; Biển Hồ (Campuchia), nơi cung cấp nguồn nước quan trọng bổ sung cho Đồng bằng sông Cửu Long trong các tháng mùa khô thấp hơn trung bình nhiều năm trong cùng thời kỳ. Nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào các tháng mùa khô năm 2020-2021, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở mức cao đến nghiêm trọng. Về lâu dài, tác động của biến đổi khí hậu - nước biển dâng, sự gia tăng khai thác nguồn nước ở các nước thượng nguồn hệ thống sông quốc tế và gia tăng nhu cầu sử dụng nước cho phát triển nội tại sẽ làm tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn.
     Chính quyền và người dân khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long cần chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, trước hết là trong các tháng mùa khô năm 2020-2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 36/CT-TTg ngày 11/9/2020. Trong đó: ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao; mỗi gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, xóm, ấp, làng, xã, huyện, tỉnh cần chủ động tích trữ nước ngọt ngay từ mùa mưa để đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trong các tháng mùa khô, không để bị động, bất ngờ; quán triệt phương châm không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là tại các khu vực không chủ động về nguồn nước sang phát triển nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sử dụng nước hiệu quả để các địa phương, doanh nghiệp và người dân áp dụng; tăng cường dự báo, cung cấp các bản tin nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước thượng nguồn; ưu tiên đầu tư các dự án tích trữ nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt, cấp nước đô thị và nông thôn; chủ động thực hiện sớm việc nạo vét kênh, rạch, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn...;  
3. “Tái định cư nơi ở an toàn phòng mưa lớn kèm theo lũ quét, sạt lở đất”
     Khu vực miền núi phía Bắc nước ta có địa hình đồi núi, độ dốc lớn, địa chất yếu, khi mưa có cường độ lớn, dài ngày thường sẽ gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nghiệm trọng về người và tài sản của bà con nơi đây. 
     Những năm gần đây xu thế thiên tai này gia tăng rất rõ rệt với nhiều đợt mưa lớn gây lũ quét nghiêm trọng, điển hình như trận mưa lũ ngày 3/8/2017 tại Sơn La và Yên Bái đã làm 36 người chết. Năm 2018 có tới 18 trận mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất, nghiêm trọng nhất là đợt trận lũ quét trên phạm vi toàn tỉnh Lai Châu vào tháng 6/2018. Năm 2019, lũ quét, sạt lở sau bão số 3 tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ đã làm 22 người chết và mất tích, để lại những mất mát vô cùng to lớn.
    Bên cạnh những hộ dân đã được hỗ trợ tái định cư đến nơi ở an toàn theo chương trình số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ, bà con hiện còn đang nằm trong những khu vực rủi ro, có nguy cơ cao xảy ra xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông do mưa lớn như khu vực ven sông, suối, sườn đồi núi, khu vực hạ lưu các hồ chứa và khu vực thấp trũng vùng thường xuyên bị ngập lụt cần chủ động di dời nhà mình đến nơi cao ráo, an toàn, đồng thời, thay đổi tập quán sinh sống gắn với phát triển sinh kế, đảm bảo ổn định lâu dài. 
4. “Không chủ quan với dông lốc trong khu vực đô thị”
     Với đặc điểm khí hậu nước ta, dông lốc là loại hình thiên tai phổ biến thường xuyên xảy ra, cơn dông thường kéo đến rất nhanh, với những dấu hiệu như mây đen vần vũ trên bầu trời, gió lốc giật mạnh có thể kèm theo sấm sét. 
     Hiện nay, tại khu vực đô thị - nơi có mật độ dân cư cao, tập trung nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều hoạt động xây dựng công trình, cở sở hạ tầng, nhiều khu công nghiệp, nhiều khu trọ tạm bợ được lớp mái tôn. Dông lốc thường xảy ra bất thường, gió lốc mạnh có thể làm hư, đổ các cẩu tháp công trình cao; tốc mái các nhà tạm không kiên cố được lợp mái tôn; các biển quảng cáo không được chằng buộc chặt chẽ hoặc đã cũ có thể bị rơi; cây cối lâu năm không được chặt tỉa có thể bị quật ngã gây mất an toàn đến tính mạng và tài sản của bà con.
     Khi bất ngờ gặp dông lốc người dân cần chú ý quan sát, nhanh chóng di chuyển vào nơi an toàn như nhà kiên cố, kết cấu bê tông; không đứng gần, trú tránh dưới gốc cây to; tránh xa khu vực đang thi công công trình; di dời khỏi các nhà tạm, nhà lợp mái tôn; tránh các biển hiệu quảng cáo lớn; đề phòng các trụ điện, tránh các nguy cơ bị điện giật hoặc hỏa hoạn do chập điện. 
5. “Đề phòng mưa đá tại vùng núi cao”
     Vùng núi cao khu vực miền Bắc nước ta những tháng cuối năm nay và những tháng đầu năm 2021 sẽ chịu ảnh hưởng của những đợt không khí lạnh tràn về. Không khí lạnh tràn xuống gây ra sự xáo trộn, tranh chấp mạnh giữa những khối khí khô lạnh và ấm ẩm, đây là điều kiện lý tưởng để có thể hình thành và gây ra mưa đá; các viên đá do mưa đá rơi xuống tại khu vực miền núi phía Bắc thường to hơn và nguy hiểm hơn do với khu vực khác do ít chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố thời tiết khác trong quá trình rơi xuống.
     Mưa đá có thể làm thủng mái mái fibro xi măng, nguy hiểm tính mạng con người; làm gẫy đổ, hư hại diện tích lớn lúa và hoa màu; chết nhiều gia súc gia cầm nếu không được bảo vệ. Bà con vùng núi cao khu vực phía Bắc cần đặc biệt không được chủ quan khi nhận được thông tin cảnh báo mưa đá trên tivi, đài báo và các bản tin truyền thanh xã, phường; chủ động tổ chức bảo vệ diện tích lúa và hoa màu; chủ động gia cố chuồng trại, bảo vệ gia súc, gia cầm; chú ý quan sát, khi nhận thấy các dấu hiệu có thể xảy ra mưa đá cần khẩn trương trú tránh tại nhà kiên cố, hầm, hang động an toàn; trường hợp chưa kịp trú ẩn, dùng các vật cứng như: mũ bảo hiểm, cặp sách,... để tránh đá rơi vào đầu; không nên đứng gần đường dây điện, đường dây cao áp và máy biến áp khi có mưa đá.
6.“Sét thiên tai khó lường dễ phòng khó chống”
     Sét là hiện tượng phóng điện trong khí quyển thường xảy ra khi có các đợt mưa dông lớn. Tia sét hay còn gọi là tia lửa điện di chuyển cực nhanh với tốc độ ánh sáng kèm nhiệt độ rất cao có thể đạt tới 30.000 độ C gây nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng và phá hủy tài sản của người dân. Đặc biệt, tia sét rất khó lường về vị trí tác động cụ thể, do đó bà con cần thật cẩn thận đề phòng sét khi nhận thấy các dấu hiệu của những trận mưa dông lớn, mây đen u ám trên bầu trời.
     Bà con khu vực đô thị cần tránh xa các trạm biến áp, cột điện, đường dây cao thế; khi ở trong nhà cần ngắt các thiết bị điện, tivi, thiết bị dễ bị ảnh hưởng bởi sét đánh lan truyền, tránh các chỗ ẩm ướt như phòng tắm, bể nước, vòi nước, không nên sử dụng điện thoại trừ trường hợp cần thiết. Nếu bạn đang ở ngoài trời cần tránh gò cao, rời xa các vật dụng kim loại, xe máy, hàng rào sắt bởi chúng là những vật thu hút sét; trường hợp bạn đang ở vùng đất trống, rộng hoặc ngoài đồng, trên nương rẫy thì tuyệt đối không trú dưới các cây to, tìm chỗ có vị trí thấp, khô ráo, an toàn để tránh trú; đặc biệt không lại gần sông, suối, ao hồ vì nước mưa là chất dẫn điện. 
     Nếu như bạn cảm thấy tóc bị dựng lên, cảm giác giống như khi sờ tay vào trước mặt ti-vi thì điều đó có nghĩa là bạn có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào, ngay lập tức cúi ngồi xuống thu mình, hai tay bịt tai để tránh ảnh hưởng đến thính giác, hai bàn chân chụm vào nhau và nhún chân lên để giảm diện tích tiếp xúc với mặt đất, không nằm sát xuống đất. Nếu người bị sét đánh, nhanh chóng dập tắt lửa trên cơ thể, sơ cấp cứu và khẩn trương đưa đến cơ sở y tế gần nhất. 
Ngoài ra, khi xây dựng nhà, công trình sinh hoạt cần bố trí hệ thống phòng chống sét.
7.“Ứng phó nắng nóng cực đoan, bão chồng bão lũ chồng lũ - những đợt thiên tai bất thường tại khu vực miền Trung cần những giải pháp tổng thể, chiến lược và chủ động” 
     Những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai khu vực miền Trung diễn ra ngày càng cực đoan, khó lường. Trong năm 2019, các tỉnh miền Trung phải ứng phó với có 02 đợt nắng nóng cực đoan kéo dài tới 27 ngày (từ 04-30/6) và 25 ngày (từ 05-29/7) gây ra nắng nóng gay gắt đến đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao phổ biến từ 39-41 độ C, có nơi trên 42 độ C, nhiều điểm tại Nghệ An, Hà Tĩnh vượt ngưỡng lịch sử. Đến năm 2020, bà con nơi đây tiếp tục phải hứng chịu những đợt bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ, vượt lịch sử từ cuối tháng 9 đến hết tháng 10 gây thiệt hại nghiêm trọng, khốc liệt về người, tài sản, đã và đang tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động KTXH, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi.
    Để ứng phó với những trận thiên tai cực đoan, dị thường khu vực miền Trung cần phải có những giải pháp tổng thể, chiến lược trong đó chú trọng công tác: nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, đặc biệt là dự báo sớm những đợt hạn hán cực đoan dài ngày, dự báo sớm đợt mưa lũ lớn diện rộng; củng cố nâng cấp và tổ chức vận hành linh hoạt, hiệu quả các hồ chứa với nhiệm vụ vừa cắt giảm lũ, vừa chống hạn phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế; bà con trong khu vực cần tích cực trồng cây, bảo vệ rừng và đặc biệt chủ động di dời khỏi các khu vực nguy hiểm như ven sông, suối, ven biển, vùng thấp trũng; bên cạnh đó, bà con cần sớm kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với đặc thù thiên tai từng vùng, nhất là khu vực thường xuyên bị ngập lụt, hạn hán.
                                      (Nguồn: Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây