I. SỰ HÌNH THÀNH NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM
Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống trở thành yêu cầu cấp thiết, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp. Ngày Pháp luật Việt Nam là một trong những hình thức, biện pháp triển khai cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu đó.
Ngày Pháp luật Việt Nam bắt nguồn từ sáng kiến của địa phương. Xuất phát từ nhu cầu đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), các tỉnh: Hà Tây (trước đây), Tiền Giang, Long An đã tổ chức triển khai mô hình này với tính chất là một ngày sinh hoạt pháp luật tập trung để cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật. Từ mô hình này, năm 2010, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ (nay là Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương) đã hướng dẫn việc nhân rộng trên phạm vi toàn quốc và được đánh giá là một cách làm mới, tích cực, góp phần đa dạng hóa các hình thức PBGDPL hiện có.
Ngày 20/6/2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật PBGDPL. Xuất phát từ vai trò của pháp luật, ý nghĩa của Hiến pháp năm 1946 - Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với những giá trị về tư tưởng pháp quyền, quyền lực thuộc về Nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và thực tiễn triển khai mô hình “Ngày Pháp luật”, kết hợp với tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, Luật PBGDPL đã quy định ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 8) - Ngày Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thông qua Hiến pháp năm 1946. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Cụ thể hóa nội dung này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (Nghị định số 28/2013/NĐ-CP), trong đó quy định cụ thể nội dung, hình thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong tổ chức triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam.
II. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM
1. Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật
Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, đồng thời mọi tổ chức, cá nhân nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống.
2. Xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với pháp luật, tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, tạo lập kỷ cương, phép nước góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, PBGDPL và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân
Pháp luật của nước ta đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch; ghi nhận, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho mỗi cá nhân và hài hòa lợi ích trong xã hội. Qua việc tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân. Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách, ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ cương, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng nếp sống văn hoá. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, kỷ cương, phép nước.
Bên cạnh đó, Nhà nước pháp quyền đòi hỏi một hệ thống pháp luật hoàn thiện. Việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam là một trong những điều kiện quan trọng thúc đẩy tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Pháp luật chỉ có thể điều chỉnh tốt nhất hành vi khi được chấp hành một cách tự nguyện, thực sự trở thành nhu cầu tự thân, có ý thức của mỗi người. Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ pháp luật; động viên toàn xã hội thi hành pháp luật nghiêm minh.
3. Hướng tới xây dựng văn hóa pháp lý trong toàn xã hội
Văn hóa pháp lý được thể hiện hàng ngày ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước, cá nhân và xã hội. Để hình thành văn hóa pháp lý cần phải xây dựng lối sống theo pháp luật. Ngày Pháp luật Việt Nam góp phần xây dựng lối sống theo pháp luật, tạo lập thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật và nâng cao nhận thức pháp luật của mỗi người.
Năm 2020 là năm thứ 7 hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay được tổ chức nhằm tiếp tục lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong xã hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành, địa phương; thiết thực chào mừng các sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt là Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; gắn liền với việc triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cap ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân và Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận số 80-KL/TW. Việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, làm cơ sở để triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thiết thực nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành, địa phương, đóng góp thiết thực vào thành quả chung của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
III. NỘI DUNG, HÌNH THỨC VÀ TRÁCH NHIỆM HƯỚNG DẪN, TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM
Nghị định số 28/NĐ-CP quy định về nội dung, hình thức và trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam (Chương II) cụ thể như sau:
1. Về nội dung, Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức để khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật và nội dung khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
2. Về hình thức, việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam thông qua các hoạt động: mít tinh; hội thảo; tọa đàm; thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; triển lãm và các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
3. Về trách nhiệm thực hiện, Nghị định số 28/NĐ-CP quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương trong tổ chức triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam. Trong đó, Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật trong phạm vi cả nước. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật cho các tổ chức thành viên.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu cơ quan Trung ương của các tổ chức thành viên của Mặt trận trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức Ngày Pháp luật cho các hội viên, đoàn viên của tổ chức mình.
IV. NHỮNG MÔ HÌNH, CÁCH THỨC TRIỂN KHAI NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM CÓ HIỆU QUẢ CẦN NHÂN RỘNG
1. Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật
Nhiều hội thi, cuộc thi do các Bộ, ngành Trung ương tổ chức trên quy mô toàn quốc đã trở thành sự kiện chính trị - pháp lý của cả nước, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân tham gia như: Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” (năm 2014, 2015) có hơn 5 triệu bài dự thi; Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III (năm 2016); Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật cho học sinh trung học phổ thông (năm 2017) đã thu hút 233.650 học sinh tham gia; Cuộc thi trực tuyến “Pháp luật học đường” (năm 2019) đã thu hút gần 315.000 lượt thí sinh tham gia vòng loại. Một số hội thi có quy mô ngành như: Cuộc thi “Chúng tôi là kiểm sát viên”; Cuộc thi “Chấp hành viên giỏi”; Hội thi Tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ… được tổ chức với các hình thức đa dạng.
Ở địa phương, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân với nhiều lứa tuổi, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, dân tộc bằng nhiều hình thức như: thi viết (tìm hiểu Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015, các luật thuế, Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Giao thông đường bộ năm 2008…); thi sân khấu hoá; thi sáng tác tranh cổ động và khẩu hiệu tuyên truyền pháp luật; thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật…
2. Tổ chức mittinh, tọa đàm, hội thảo, tập huấn pháp luật hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam
Tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam được các Bộ, ngành, địa phương (Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; các tỉnh: Bình Dương, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc, Hòa Bình…) áp dụng trong thời gian vừa qua. Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức hội thảo, tọa đàm để thảo luận về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thi hành pháp luật; giới thiệu mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam (Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Dân tộc, Bộ Tư pháp; các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Hậu Giang, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Lào Cai, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu…); tổ chức diễn đàn góp ý dự thảo luật
[1] (Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam…); tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL…
3. Tổ chức Ngày hội pháp luật, đối thoại chính sách pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp luật miễn phí
Mô hình Ngày hội pháp luật được thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc
[2]… tổ chức thường xuyên, định kỳ trong tuần lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam để tư vấn, giải đáp pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động thông qua các tình huống, vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của người lao động, tổ chức, mang lại nhiều kết quả tích cực. Trong khuôn khổ ngày hội, công nhân, viên chức và người lao động còn được các luật sư, chuyên gia giải đáp các vướng mắc về pháp luật dân sự, pháp luật lao động, đồng thời tư vấn sức khỏe, giới thiệu việc làm...
Bên cạnh đó, nhiều Bộ, ngành, địa phương còn tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…); tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp luật miễn phí (Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư cấp tỉnh và các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước…); hội thảo, tọa đàm đánh giá những bất cập từ thể chế chính sách và vướng mắc từ thực tiễn thi hành pháp luật để đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, sửa đổi, bổ sung, thay thế; tư vấn pháp luật lưu động, PBGDPL trực tiếp tại địa bàn vùng sâu, vùng xa (Sơn La, Nghệ An, Hà Giang…); thực hiện tuần lễ “Lắng nghe ý kiến người nộp thuế” (Tổng cục Thuế); chương trình dân hỏi, giám đốc trả lời (Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Giang, Hòa Bình…).
4. Tổ chức PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức cổ động trực quan
Các cơ quan truyền thông, báo chí đã xây dựng, phát sóng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Hàng năm, trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, hoạt động cổ động trực quan được các Bộ, ngành, địa phương thực hiện khắp mọi miền đất nước, tạo hiệu ứng lớn, thu hút sự quan tâm của xã hội, tập trung vào các chủ đề, khẩu hiệu Ngày Pháp luật Việt Nam của từng năm thông qua triển lãm, hệ thống pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu...trên các tuyến đường chính, khu trung tâm, cơ quan, trường học, địa điểm công cộng.
5. Các mô hình hưởng ứng khác hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam
Một số mô hình, cách thức khác hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam đã trở thành việc làm thường xuyên của cơ quan, tổ chức như: mô hình “Mỗi tuần một điều luật” (Bộ Quốc phòng, các tỉnh: Phú Yên, Quảng Nam, Cao Bằng…). Một số mô hình hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam được thực hiện có hiệu quả trong nhà trường như: Trong tuần lễ cao điểm, tổ chức sinh hoạt dưới cờ với chủ đề về Ngày Pháp luật vào thứ Hai đầu tuần; mô hình “Tiết học pháp luật” (tỉnh Long An); mô hình “Cổng trường trật tự an toàn giao thông”… Nhiều địa phương đã tổ chức chiếu phim lưu động phục vụ cán bộ, Nhân dân tại các xã vùng sâu, vùng xa kết hợp phổ biến pháp luật; tổ chức phiên tòa giả định, xét xử lưu động; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, PBGDPL, thi hành pháp luật; duy trì sinh hoạt Ngày Pháp luật thường kỳ hàng tháng tại cơ quan, đơn vị, địa phương (Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Sơn La, Ninh Thuận, Bến Tre, Lâm Đồng, Bình Dương, Phú Yên, Kon Tum, Lạng Sơn…). Một số Bộ, ngành, địa phương còn tổ chức nhắn tin điện thoại về nội dung hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (Bộ Tư pháp phối hợp với VNPT, Mobifone, Viettel; An Giang…); lồng ghép hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Xây dựng nông thôn mới” (Kon Tum); tổ chức Ngày Đại đoàn kết tại khu dân cư (Phú Thọ) và nhiều phong trào, hoạt động xã hội khác...
Qua theo dõi, các Bộ, ngành, địa phương đều đánh giá cao về hiệu quả từ những cách thức, mô hình nói trên, qua đó đổi mới hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam nói riêng và công tác PBGDPL nói chung, đưa PBGDPL đi vào chiều sâu, thực chất.
V. ĐỊNH HƯỚNG TRIỂN KHAI NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN TỚI
Để Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trên phạm vi cả nước, các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương cần tập trung thực hiện đồng bộ một số định hướng sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý đất nước, phát triển xã hội, tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật. Việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam cần bám sát và cụ thể hoá tinh thần Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện thật tốt Luật PBGDPL năm 2012; rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật để phù hợp với thực tiễn, trong đó có các quy định về Ngày Pháp luật Việt Nam.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam theo hướng gắn kết giữa PBGDPL và xây dựng, thi hành pháp luật, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và yêu cầu đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm để trở thành công việc thường xuyên, hàng ngày của mỗi người. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông, báo chí, các thiết chế văn hóa, thông tin cơ sở, cổ động trực quan; chú trọng tổ chức đối thoại chính sách, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý trong hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
Thứ ba, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL từ Trung ương đến cơ sở, nhất là đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm và nghĩa vụ chủ động trong tìm hiểu và gương mẫu trong thực thi pháp luật; gắn việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ với thông tin, phổ biến pháp luật tới Nhân dân; đồng thời, vận động, khuyến khích công dân tìm hiểu, sử dụng, chấp hành, tuân thủ pháp luật.
Thứ tư, tổ chức thực hiện PBGDPL hướng mạnh về cơ sở, tăng cường sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị và đoàn thể trong triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam. Xây dựng và phát triển các mô hình hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hiệu quả, thiết thực gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và phong trào hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, hướng tới nhóm đối tượng đặc thù theo Luật PBGDPL để mọi người đều được tham gia học tập, tìm hiểu pháp luật.
Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, huy động nguồn lực trong xã hội tham gia vào công tác PBGDPL nói chung, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam nói riêng; phát huy vai trò của nhà trường, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo luật, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực pháp luật, tổ chức hành nghề luật tham gia hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Chú trọng kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện; làm điểm mô hình, hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hiệu quả để từ đó nhân rộng; đồng thời quan tâm khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, PBGDPL, thi hành pháp luật./.
(Nguồn: Thông tin về phổ biến giáo dục pháp luật- Bộ Tư pháp)