Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH đất nước

Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH đất nước

Số kí hiệu 49-CT/TW
Ngày ban hành 21/02/2005
Ngày bắt đầu hiệu lực 21/02/2005
Ngày hết hiệu lực
Thể loại Chỉ thị
Lĩnh vực Pháp quy
Cơ quan ban hành Khác
Người ký Mặc định

Nội dung

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
----------------
Số: 49-CT/TW Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2005
 
CHỈ THỊ
VỀ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC
Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình".
Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hoá dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thuỷ chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Sau gần 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mọi gia đình. Kinh tế hộ gia đình thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự tăng trưởng tổng thu nhập quốc dân hàng năm. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá mới ở cơ sở phát triển, ngày càng có nhiều gia đình văn hoá, khu phố văn hoá, làng văn hoá, cụm dân cư văn hoá, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm đã giúp cho hàng triệu gia đình thoát nghèo và nâng cao mức sống. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các gia đình đặc biệt khó khăn, gia đình có công với cách mạng, gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã đạt được những thành tích đáng kể, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội ngày càng ổn định và phát triển. Những giá trị nhân văn mới, tiêu biểu là bình đẳng giới và quyền trẻ em, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Quyền trẻ em đã được pháp luật thừa nhận, được xã hội và gia đình thực hiện và phát huy. Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi năm 2000 đã tạo điều kiện để thực hiện hôn nhân bình đẳng và tiến bộ. Những năm gần đây, việc thành lập cơ quan quản lý nhà nước về gia đình và việc lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày gia đình Việt Nam đã khẳng định vai trò của gia đình đối với xã hội và xã hội đối với gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Tuy nhiên, công tác gia đình hiện nay còn nhiều yếu kém và đang đối mặt với nhiều thách thức. Việc thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình còn nhiều thiếu sót và bất cập. Hiện tượng tảo hôn vẫn còn tồn tại. Tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân gia tăng đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Những biểu hiện tiêu cực trong hôn nhân với người nước ngoài đang làm cho xã hội lo lắng. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thuỷ chung, kính trên nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp. Những xung đột giữa các thế hệ về lối sống và việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Tệ nạn xã hội như ma tuý, cờ bạc, rượu chè bê tha, mại dâm và nạn dịch HIV/AIDS đang thâm nhập vào các gia đình. Bạo hành trong gia đình, tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, trẻ em bị xâm hại, trẻ em phải lang thang kiếm sống, trẻ em vi phạm pháp luật có chiều hướng phát triển. Nhiều gia đình vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh. Hàng trăm ngàn trẻ em nạn nhân của chất độc da cam đang là nỗi đau của nhiều gia đình. Hàng ngàn gia đình có thân nhân bị chết, bị tàn tật do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Những mất mát, đau thương của hàng triệu gia đình trong chiến tranh sau gần ba chục năm qua vẫn chưa thể bù đắp. Công tác xoá đói, giảm nghèo ở một số địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, kết quả chưa vững chắc, đặc biệt là ở vùng duyên hải, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc chuyển hướng ngành nghề cho những hộ gia đình làm nông nghiệp trong quá trình đô thị hoá và phát triển công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.
Nguyên nhân của tình hình nói trên có phần do nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của gia đình và công tác gia đình, công tác quản lý nhà nước về gia đình chưa theo kịp với sự phát triển của đất nước; những mặt tích cực của gia đình trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá chưa được phát huy. Nhiều vấn đề bức xúc về gia đình chưa được xử lý kịp thời. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể chưa quan tâm đúng mức việc nghiên cứu, lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình. Công tác giáo dục trước và sau hôn nhân, việc cung cấp các kiến thức làm cha mẹ, các kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình chưa được coi trọng. Nhiều gia đình do quá tập trung làm kinh tế đã xem nhẹ việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các thành viên, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi.
Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá và hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện, đồng thời cũng đặt gia đình và công tác gia đình trước nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thực dụng tác động mạnh tới các giá trị đạo đức truyền thống và lối sống lành mạnh. Sự phân hoá giàu nghèo sẽ tiếp tục tác động vào số đông các gia đình. Nhiều gia đình nếu không được hỗ trợ, không được chuẩn bị đầy đủ sẽ không đủ năng lực đối phó với những thay đổi nhanh chóng về kinh tế - xã hội và không làm tròn các chức năng vốn có của mình. Xu thế thu nhỏ gia đình trong xã hội công nghiệp nếu không được định hướng sẽ tiếp tục gây sức ép về nhà ở cũng như đặt việc chăm sóc trẻ em và người cao tuổi vào thách thức mới.
Trong thời gian tới, nếu chúng ta không quan tâm củng cố, ổn định và xây dựng gia đình, những khó khăn và thách thức nêu trên sẽ tiếp tục làm suy yếu gia đình, suy yếu động lực của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Mục tiêu chủ yếu của công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá là ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng chỉ một hoặc hai con), no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.
Để thực hiện mục tiêu trên, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, đoàn thể các cấp lưu ý lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt những nhiệm vụ và các giải pháp sau:
1-Nhiệm vụ:
1.1-Cần nhận thức rõ gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Coi đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Gia đình có trách nhiệm với các thành viên và với xã hội; Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình. Xây dựng gia đình phải luôn gắn với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Cán bộ, đảng viên có trách nhiệm gương mẫu chăm lo xây dựng chính gia đình mình và vận động nhân dân cùng thực hiện.
1.2-Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên; chủ động rà soát, đánh giá tình hình gia đình tại địa phương, xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án cụ thể giải quyết những khó khăn, thách thức về gia đình và công tác gia đình. Cần đặc biệt quan tâm xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; kiên quyết đấu tranh chống những lối sống thực dụng, vị kỷ, đồi truỵ; tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; có kế hoạch và biện pháp cụ thể phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo hành trong gia đình.
1.3-Tăng cường công tác giáo dục đời sống gia đình. Cung cấp tới từng gia đình các kiến thức, kỹ năng sống, như: kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng. Giáo dục và vận động mọi gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh. Vận động các gia đình tích cực tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, quy chế dân chủ cơ sở; phát triển các hình thức tổ hoà giải, các câu lạc bộ gia đình tại cộng đồng; giữ gìn và phát huy văn hoá gia đình và truyền thống tốt đẹp của dòng họ; xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trong giáo dục, phải kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.
1.4-Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình; nhân rộng các mô hình kinh tế hộ tiên tiến; bảo đảm kết quả bền vững của chương trình xoá đói, giảm nghèo và tạo việc làm, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm đặc biệt tới các gia đình có công với cách mạng, gia đình là nạn nhân của chiến tranh.
1.5-Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng và gia đình tham gia tích cực xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, khu phố văn hoá, cụm dân cư văn hoá; xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình điển hình, tiêu biểu, tạo ra phong trào xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Biểu dương kịp thời và nhân rộng các mô hình gia đình vượt khó vươn lên, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình trẻ hạnh phúc, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
1.6-Cần sớm xây dựng và triển khai chiến lược và chương trình mục tiêu về công tác gia đình, xây dựng các đề án cụ thể giải quyết những thách thức hiện nay đối với gia đình.
2-Giải pháp
2.1-Đẩy mạnh, đổi mới và đa dạng hoá công tác truyền thông, tăng cường giáo dục đến từng hộ gia đình pháp luật, chính sách liên quan đến vấn đề xây dựng gia đình, đặc biệt là Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Pháp lệnh Dân số; đưa chủ đề gia đình vào các chương trình tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt và phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng cuộc sống gia đình.
2.2-Bảo đảm đủ nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước và huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác gia đình. Đưa nội dung công tác này vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các kế hoạch hàng năm của ngành và của địa phương.
2.3-Củng cố và ổn định cơ quan uỷ ban dân số, gia đình và trẻ em ở các cấp, đặc biệt là cấp huyện và cấp cơ sở, đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành về công tác gia đình.
2.4-Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và hệ thống dịch vụ xã hội liên quan đến gia đình, đặc biệt quan tâm tới các gia đình đã nhường đất sản xuất cho đô thị hoá, phát triển công nghiệp và các hộ di dân; triển khai và mở rộng các loại hình dịch vụ an sinh xã hội để nâng cao năng lực tự chủ của mỗi gia đình, đảm bảo cho các gia đình có cơ hội tiếp cận sự bảo trợ của Nhà nước, ổn định cuộc sống, chăm lo giáo dục con cái và chăm sóc người cao tuổi.
2.5-Tăng cường công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát toàn diện về gia đình, đặc biệt là nghiên cứu các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình cần gìn giữ, phát huy những giá trị mới, tiên tiến cần tiếp thu; nghiên cứu xây dựng các mô hình gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; áp dụng các kết quả nghiên cứu để giải quyết những thách thức trong lĩnh vực gia đình và dự báo những biến đổi về gia đình trong thời kỳ mới.
2.6-Các cấp uỷ đảng, các tỉnh uỷ, thành uỷ xây dựng kế hoạch hành động tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình theo tinh thần của Chỉ thị này.
Ban cán sự đảng Chính phủ, ban cán sự đảng các bộ, ngành Trung ương, Đảng đoàn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quán triệt, thể chế hoá và chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị, động viên toàn dân tích cực tham gia công tác gia đình, tạo ra một phong trào xây dựng gia đình ít con (mỗi cặp vợ chồng chỉ một đến hai con), no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc trong cả nước.
Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương chỉ đạo các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị, nêu gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Ban Khoa giáo Trung ương và Ban cán sự Đảng Uỷ ban Dân số, gia đình và trẻ em có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi và định kỳ báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị cho Ban Bí thư.
Chỉ thị này phổ biến và quán triệt tới các chi bộ.
 
 
Nơi nhận:
- Các tỉnh uỷ, thành uỷ,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng,
đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương,
- Các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương,
Lưu Văn phòng Trung ương.

TM. BAN BÍ THƯ




Phan Diễn
 
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây